Virus RSV (virus hợp bào hô hấp) là một trong những nguyên nhân thường gặp gây bệnh đường hô hấp (viêm tiểu phế quản, viêm phổi) ở trẻ em. Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa virus RSV và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phát hiện bệnh sớm để có kế hoạch điều trị và chăm sóc kịp thời là rất quan trọng.
Gió mùa về, thời tiết trở lạnh là thời điểm các bạn nhỏ dễ mắc nhiễm trùng hô hấp. Virus hợp bào hô hấp (RSV – respiratory syncytial virus) là một trong những nguyên nhân hàng đầu “tấn công” và gây các bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi… cả ở người lớn và trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi. Nếu bệnh không được đánh giá đúng mức độ và đưa ra điều trị phù hợp có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Biểu hiện của nhiễm RSV
- Giai đoạn đầu, RSV gây viêm mũi họng (đường hô hấp trên) với các triệu chứng không đặc hiệu: Ho, nghẹt/chảy mũi, đau tai, đau họng, sốt nhẹ. Biểu hiện dễ nhận biết nhất của RSV là họng có nhiều đờm quánh màu vàng, xanh hoặc xám.
- Giai đoạn sau, RSV có thể tự khỏi hoặc gây viêm đường hô hấp dưới với các biểu hiện: Khó thở, thở nhanh, thở khò khè, ho nhiều, thờ ơ, mệt mỏi, bú kém.
Đường lây truyền của RSV: RSV có thể lây lan khi người bị bệnh ho hoặc hắt hơi, phát tán các giọt dịch mang mầm bệnh vào không khí và trẻ hít phải các giọt dịch đó. Nếu trẻ chạm tay vào bề mặt cứng có virus như tay nắm cửa, bàn ghế… rồi đưa tay lên mặt, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Ngoài ra, việc tiếp xúc trực tiếp với virus bằng cách hôn, bắt tay… với người bị RSV cũng khiến trẻ dễ nhiễm bệnh.
Phòng tránh nhiễm RSV:
- Phải giữ vệ sinh, đặc biệt giữ vệ sinh tay, người chăm trẻ nên có thói quen sát trùng tay bằng dung dịch vệ sinh tay trước khi tiếp xúc trẻ (tránh mang mầm bệnh đến trẻ) và sau khi chăm trẻ (nhất là khi trẻ ốm, tránh phát tán mầm bệnh ra môi trường, gây lây nhiễm cho trẻ khác và người khác).
- Tránh hôn trẻ, đặc biệt khi người hôn có biểu hiện của viêm đường hô hấp.
- Làm sạch bề mặt xung quanh trẻ, đồ chơi, tay nắm cửa đều đặn.
- Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ nhiễm RSV:
- Trẻ nhiễm RSV thường xuất tiết dịch nhiều, phụ huynh nên chú ý làm sạch/hút mũi bằng dụng cụ hút mũi. Chỉ được nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Tuyệt đối tránh nhỏ mũi bằng bất kì loại thuốc nào khác nếu không có chỉ định của bác sĩ.
- Đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu trẻ có hệ miễn dịch non yếu (trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ có bệnh lý mạn tính) hoặc có biểu hiện của viêm đường hô hấp dưới.